Đa dạng hóa hình thức ôn thi THPT quốc gia môn Địa lí
Nhiều năm qua, bản thân tôi cũng đã luôn cố gắng đổi mới các hình thức ôn tập, đúc kết kinh nghiệm và cải tiến. Trong đó, tôi thường áp dụng các hình thức ôn tập sau đây.
1. Ôn tập thông qua sơ đồ hóa kiến thức
Địa lí là môn học đặc thù. Các kiến thức có mối liên kết với nhau chặt chẽ, thể hiện mối quan hệ nhân quả sâu sắc. Sơ đồ kiến thức và mindmap giúp kiến thức được hệ thống lại một cách khoa học. Để sơ đồ hóa kiến thức hiệu quả, cần thực hiện các bước cơ bản:
- Xác định trọng tâm kiến thức
- Xác định từ khóa của bài học
- Xây dựng sơ đồ, phát triển nhánh kiến thức
- Liên kết kiến thức, chỉnh sửa
Sơ đồ có hai kiểu cơ bản đó là sơ đồ dạng đóng khung với các kiến thức có tính cố định và sơ đồ dạng mindmap với các đơn vị kiến thức được phát triển qua rất nhiều tầng. Cả hai loại sơ đồ đều có tác dụng lớn trong việc giúp học sinh hệ thống kiến thức một cách khoa học, kỹ lưỡng và phát triển tư duy tốt. Mỗi bài học có thể thiết kế thành một sơ đồ hoàn chỉnh. Ngoài ra, mỗi chương, mỗi chủ đề lớn cũng biên soạn thành sơ đồ giúp việc hệ thống kiến thức bao quát hơn nữa. Đối với sơ đồ dạng mindmap cần có thêm các biểu tượng, hình ảnh, hình vẽ, icon sinh động qua đó phát huy sự sáng tạo của học sinh hiệu quả.
2. Ôn tập bằng trò chơi
Trò chơi trong môn Địa lí đã không còn xa lạ với nhiều giáo viên. Khi tham gia trò chơi, học sinh không chỉ được ôn tập, tái hiện nhanh kiến thức mà còn phát triển các kĩ năng làm việc nhóm, phản xạ tích cực. Các trò chơi trong môn Địa lí rất đa dạng với các nhóm trò chơi chính như:
-
Trò chơi dùng lời như đoán từ, trả lời nhanh, bingo...
-
Trò chơi có áp dụng công nghệ như kahoot, đuổi hình bắt chữ, ô chữ...
-
Trò chơi sử dụng các đồ dùng dạy học là trò chơi kết hợp dùng lời với Atlat, các vật dụng giáo viên chuẩn bị như trò gieo xúc xắc, ghép hình...
Cho dù tổ chức trò chơi nào thì giáo viên cũng cần trải qua các bước cơ bản:
-
Xác định mục tiêu của trò chơi
-
Lựa chọn loại trò chơi phù hợp với kiến thức và kĩ năng
-
Thiết kế thể lệ, nội dung trò chơi
-
Tổ chức thực hiện
-
Đánh giá, rút kinh nghiệm
Ở mức độ thấp, người thầy sẽ thiết kế và tổ chức các trò chơi cho học sinh tham gia. Mức độ cao nhất, chính học sinh sẽ thay thầy thiết kế và thực hiện hoạt động này trên lớp dưới sự giám sát và hỗ trợ của giáo viên bộ môn.
Trò chơi luôn mang lại hứng thú cho học sinh. Vì thế, việc xây dựng bộ trò chơi theo cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với từng bài và chủ đề hết sức có ý nghĩa.
3. Ôn tập bằng việc thiết kế các bảng tóm tắt
Đối với môn Địa lí, rất nhiều bài học có kiến thức tương đương, có thể sắp xếp thành các bảng thông tin tóm tắt. Điều này không chỉ tiện cho việc ôn tập mà còn rất hiệu quả trong việc so sánh kiến thức.
Có thể liệt kê một số bảng tóm tắt kiến thức phổ biến trong bộ môn như:
-
Bảng so sánh 4 vùng núi về vị trí, độ cao, hướng, hướng nghiêng, cấu trúc của các vùng núi.
-
Bảng so sánh đặc điểm gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hè về nơi xuất phát, hướng gió, thời gian, phạm vi hoạt động, tính chất...
-
Bảng so sánh thông tin cơ bản về 7 vùng kinh tế như diện tích, dân số, các tỉnh thành, các trung tâm công nghiệp, sân bay, cảng biển...
Với bảng kiến thức này, học sinh điền các thông tin rất ngắn gọn, rất tiện cho việc ôn tập, tái hiện, so sánh.
4. Ôn tập bằng các câu hỏi trả lời nhanh, điền khuyết
Ôn tập qua câu hỏi ngắn và điền khuyết có thể tiến hành như một trò chơi nhưng cũng có thể là nội dung các em tự làm bài kiểm tra ngắn, tự đố nhau rất hiệu quả. Thông qua việc biến các kiến thức trọng tâm thành các câu hỏi ngắn hoặc dạng điền thông tin giúp các em nhớ rất nhanh kiến thức. Câu hỏi, nội dung càng cụ thể, học sinh càng ôn luyện dễ dàng. Giáo viên có thể tổ chức hoạt động theo cá nhân hoặc nhóm đều thu hút sự tham gia tích cực của các học sinh.
Ví dụ:
- 5 bộ phận của vùng biển nước ta là...
- Biển Đông có diện tích là ... lớn thứ ... trong các biển của ...
- 2 vùng núi có hướng Tây Bắc – Đông Nam là vùng núi nào?
- Kiểu khí hậu của miền lãnh thổ phía bắc và miền lãnh thổ phía Nam là gì?
Mỗi giáo viên, qua nhiều năm giảng dạy sẽ có nhiều kĩ năng và kinh nghiệm trong việc tổ chức ôn tập cho lớp của mình. Tùy đặc thù của đơn vị và số tiết ôn tập mà người thầy lựa chọn hình thức ôn tập sao cho phù hợp. Cho dù ôn tập theo hình thức nào thì mục tiêu hiệu quả cần phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, giáo viên cũng chú ý điều chỉnh theo mức độ quan tâm, sự yêu thích với mỗi hoạt động của giáo viên. Có như vậy, ôn tập sẽ không còn là áp lực đối với cả thầy và trò.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của AZtest sẽ giúp quý thầy cô có được những hình thức ôn thi Địa lý đa dạng, hiệu quả cho kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần.
>>>Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm Địa lý lớp 12
Nguồn: Theo Nguyễn Chí Tuấn
Tiếng nói giáo viên
Báo Giáo dục Thời đại
ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn