Đưa chuyện kể vào bài Hóa học
Cách “Ngữ văn hóa” những kiến thức liên quan dưới dạng những bài học đạo đức của thầy đã lôi cuốn học trò.
Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác
Thầy Thanh sinh năm 1994, được rất nhiều học sinh yêu quý bởi sự trẻ trung, năng động và sáng tạo. Em Nguyễn Tiến Khoa, học sinh lớp 12A5 – Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM), nơi thầy Thanh dạy học những năm đầu mới ra trường cho hay: Lớp 10A7 tụi em thích nhất giờ học Hóa của thầy Thanh. Thầy rất tâm lý, rất vui, không bao giờ áp lực điểm số, luôn tạo nhiều cơ hội cho các bạn phấn đấu để tiến bộ. Đặc biệt, mỗi giờ học Hóa là cả một “kho tàng chuyện kể về những điều trong cuộc sống gắn với kiến thức Hóa học”.
Học Hóa với thầy Phạm Lê Thanh không chỉ là kiến thức sách vở, “Bringing Chemistry to Life” là những gì mà thầy mang vào lớp học để học sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đơn cử như, khi học đến tính chất hóa học của hợp chất cacbon - muối cacbonat có phản ứng: “CaCO3 + CO2 + H2O - Ca(HCO3)2”. Phản ứng chiều thuận là phản ứng mô tả sự xâm thực của các hang động núi đá vôi dưới tác dụng của nước mưa có hòa tan khí CO2 trong không khí.
Phản ứng nghịch là cơ sở để giải thích hiện tượng hình thành các hang động thạch nhũ trong các hang động nổi tiếng ở Việt Nam như Phong Nha - Kẻ Bàng. Khi ấy thầy Thanh liên tưởng đến “nguyên lý tảng băng trôi” - ba phần nổi - bảy phần chìm. Để tạo được các hang động đẹp, trở thành kì quan của thế giới, các hang động núi đá vôi không có cách nào khác, “phải chịu sự bào mòn, xâm thực” thì mới có thể khoe mình lung linh dưới dạng những giọt nước “thạch nhũ”.
Từ đó thầy Thanh rút ra kết luận bản chất của sự thành công trong cuộc sống cũng như thế, chúng ta phải cố gắng rất nhiều thì mới có thể chinh phục được đỉnh cao. Không ai biết chúng ta đã thức bao nhiêu đêm, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi và công sức, người ta ngưỡng mộ khi chúng ta “giành được tấm vé vào đại học” là “thành công”. “Qua đó tôi cũng khuyên các em nếu gặp thất bại trong cuộc sống, hãy khoan buồn và thất vọng, vì “bảy phần chìm” không ai biết rõ ngoài chính bản thân mình. Hãy cho mình cơ hội làm lại và cố gắng thêm nữa, thành công rồi sẽ mỉm cười với bạn”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Hay với hình ảnh “liên kết hóa học giữa các nguyên tử cacbon trong tinh thể than chì và kim cương”. Cùng bản chất là “sự liên kết cộng hóa trị” nhưng khi một nguyên tử cacbon liên kết với bốn nguyên tử cacbon khác lại tạo thành kim cương quý giá, trong khi liên kết với ba nguyên tử cacbon lại tạo thành than chì rất rẻ. Đó là bài học về sự đoàn kết, giá trị của việc chung tay xây dựng một tập thể vững mạnh sẽ tạo nên những điều kì diệu!
Hình ảnh “bọt bia tạo ra từ quá trình lên men tinh bột tạo ra cấu trúc hợp chất CO2 bền vững và khó vỡ hơn so với bọt nước ngọt có gas từ việc nén CO2 bão hòa” cũng là một bài học đạo đức mà thầy Thanh gửi đến các em về giá trị của sự chân thực, trung thực trong học tập. Điều gì do chính chúng ta tạo ra, luôn bền bỉ, vẹn nguyên theo năm tháng, trái lại những thứ vay mượn, giả tạm sẽ mau chóng tan biến mất.
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Theo thầy Thanh, mỗi sự vật, hiện tượng hóa học trong đời sống đều gắn với sự biến đổi tự nhiên xung quanh chúng ta, có thể chúng ta không để tâm đến, nhưng nếu chịu khó quan sát thì “Hóa học chính là cuộc sống”.
“Tôi muốn đưa những hình ảnh liên hệ đó một cách sáng tạo nhất vào từng bài giảng của mình, để học sinh thấy rằng Hóa học không hề chai sạn, không hề đơn thuần là những bài toán vô hồn, mà Hóa học là công cụ để kiến tạo cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần. Tất cả điều đó thôi thúc tôi hành động, từng bài học tôi luôn tìm tư liệu, bài báo hay những mẩu chuyện để có thể “Ngữ văn hóa” kiến thức liên quan dưới dạng những nguyên lý, bài học về giá trị đạo đức hoặc một vấn đề về nghị luận xã hội để giáo dục các em”.
Chia sẻ về giảng dạy môn Hoá, thầy Thanh cho rằng, sứ mệnh của bộ môn Hóa học là mang đến tri thức khoa học, giúp học sinh tham gia cải tạo cuộc sống, học để biết, để chung sống. Các tiết học của thầy thường hay có chuyên mục “5 phút đọc báo cùng bạn”, “Bringing Chemistry to Life” để mang đến các em những mẫu tin khoa học mới, là cách chọn khẩu phần ăn dinh dưỡng hợp lý hằng ngày, là cách để sử dụng hóa chất làm công cụ phục vụ cuộc sống hiện đại: Chế tạo dụng cụ bắt muỗi, bình chữa cháy mini, xe lửa chạy bằng baking soda và giấm, pin chanh thắp sáng phòng ngủ…
Để giúp giảng dạy môn Hóa học tốt hơn, thầy Thanh thường phải đi thực tế nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn để đem kiến thức mình học được, thấy được, đọc được vào chia sẻ cho các em, các em lại chia sẻ cho thầy những điều các em biết. “Hóa học là sự sẻ chia, nó không có giới hạn ranh giới của sự hiểu biết, có những học trò rất thông minh và nhiều trải nghiệm”, thầy Thanh nói.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Hóa lớp 12 học kỳ I
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn