Môn Công nghệ trong Chương trình GDPT mới
Thúc đẩy GD STEM, tích hợp GD hướng nghiệp
- Ông có thể chia sẻ những điểm kế thừa và khác biệt của Chương trình mới môn Công nghệ với chương trình hiện hành?
- Môn Công nghệ trong Chương trình GDPT mới kế thừa nhiều ưu điểm đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn của chương trình môn Công nghệ hiện hành, từ quan điểm xây dựng và phát triển chương trình môn học đến nội dung môn học và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Bên cạnh đó, Chương trình môn Công nghệ, có một số thay đổi phù hợp với định hướng đổi mới được nêu ra trong Chương trình GDPT tổng thể, với đặc điểm, vai trò và xu thế quốc tế của GD công nghệ. Đó là:
Chương trình phát triển năng lực: Chương trình môn Công nghệ có đầy đủ đặc điểm của chương trình GD định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho HS. Đây là thay đổi bao trùm, có tính chất chi phối tổng thể tới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá của môn học. Chương trình môn học hướng tới hình thành, phát triển năng lực công nghệ; góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể.
Thúc đẩy GD STEM: Chương trình môn Công nghệ gắn với thực tiễn, hướng tới thực hiện mục tiêu “học công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ tại gia đình, nhà trường, cộng đồng”; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc bố trí nội dung thiết kế kỹ thuật ở cả tiểu học, trung học; định hướng GD STEM - lĩnh vực rất được quan tâm trong Chương trình GDPT mới.
Tích hợp GD hướng nghiệp: Chương trình môn Công nghệ thể hiện rõ ràng, đầy đủ vai trò giáo dục hướng nghiệp trong dạy học công nghệ. Sự đa dạng về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ trong nội dung môn Công nghệ cũng mang lại ưu thế của môn học trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung GD hướng nghiệp trong môn học thông qua các chủ đề về lựa chọn nghề nghiệp; các nội dung giới thiệu về ngành nghề chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất môn Công nghệ đề cập; các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp qua các mô-đun kỹ thuật, công nghệ tự chọn. Nội dung GD hướng nghiệp được đề cập ở các lớp cuối của giai đoạn GD cơ bản và toàn bộ giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp.
Tiếp cận nghề nghiệp: Ở THPT, chương trình môn Công nghệ chuẩn bị cho HS lựa chọn nghề nghiệp về kỹ thuật, công nghệ. Tư tưởng của GD công nghệ ở cấp học này hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành. Trong giai đoạn này, nội dung dạy học tập cho cả hai định hướng công nghiệp và nông nghiệp đều mang tính đại cương, nguyên lý, cơ bản, cốt lõi và nền tảng cho mỗi lĩnh vực, giúp HS tự tin và thành công khi lựa chọn ngành nghề kỹ thuật, công nghệ sau khi kết thúc THPT.
Ngoài ra, môn Công nghệ trong Chương trình GDPT mới đảm bảo tinh giản nội dung, phản ánh được tinh thần đổi mới và cập nhật về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Những đổi mới nêu trên cùng góp phần thực hiện tư tưởng chủ đạo của môn Công nghệ là nhẹ nhàng - hấp dẫn - thiết thực.
Lợi thế của môn học
- Môn Công nghệ góp phần hình thành và phát triển năng lực chung, phẩm chất chủ yếu như thế nào, thưa ông?
- Môn Công nghệ có lợi thế giúp HS phát triển các phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tính chăm chỉ, đức tính trung thực, tinh thần trách nhiệm thông qua những nội dung giáo dục liên quan tới môi trường công nghệ con người đang sống và những tác động của nó; thông qua các hoạt động thực hành, lao động, trải nghiệm nghề nghiệp và môi trường GD ở nhà trường trong mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.
Trong GD công nghệ, năng lực tự chủ của HS được biểu hiện thông qua sự tự tin, sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ trong gia đình, cộng đồng, trong học tập, công việc; bình tĩnh, xử lý có hiệu quả những sự cố kĩ thuật, công nghệ; ý thức và tránh được những tác hại (nếu có) do công nghệ mang lại... Năng lực tự chủ được hình thành, phát triển ở HS thông qua các hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế và chế tạo các sản phẩm công nghệ, sử dụng và đánh giá các sản phẩm công nghệ, bảo đảm an toàn trong thế giới công nghệ ở gia đình, cộng đồng, trong học tập, lao động.
Để hình thành, phát triển năng lực tự học, giáo viên coi trọng việc phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động của HS, đồng thời quan tâm tới nguồn học liệu hỗ trợ tự học (đặc biệt là học liệu số), phương pháp, tiến trình tự học và đánh giá kết quả học tập của HS
Năng lực giao tiếp, hợp tác được thể hiện qua giao tiếp công nghệ, một thành phần cốt lõi của năng lực công nghệ. Việc hình thành và phát triển ở HS năng lực này được thực hiện thông qua dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ, khuyến khích HS trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng... khi thực hiện các dự án học tập và sử dụng, đánh giá các sản phẩm công nghệ được đề cập trong chương trình.
Công nghệ hướng tới tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới, giải quyết các vấn đề về kĩ thuật, công nghệ trong thực tiễn nhằm làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn. GD công nghệ có nhiều ưu thế trong hình thành, phát triển ở HS năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, sáng tạo sản phẩm mới; giải quyết các vấn đề về kĩ thuật, công nghệ trong thực tiễn. Trong chương trình môn Công nghệ, tư tưởng thiết kế được nhấn mạnh, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT và được thực hiện thông qua các mạch nội dung, thực hành, trải nghiệm từ đơn giản đến phức tạp là điều kiện để hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những mạch nội dung chính
- Ông có thể chia sẻ những điểm mới trong nội dung chương trình môn Công nghệ?
- Chương trình môn Công nghệ mới có 4 mạch nội dung chính gồm: Công nghệ và đời sống; Lĩnh vực sản xuất chủ yếu; Thiết kế và đổi mới công nghệ; Công nghệ và hướng nghiệp. Trong đó, các mạch 1, 3 và 4 được chú trọng, hoàn thiện hơn so với chương trình hiện hành.
Môn Công nghệ ở cấp tiểu học giới thiệu về thế giới kỹ thuật, công nghệ gần gũi thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà HS tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; thiết kế kỹ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kỹ thuật, lắp ráp các mô hình kỹ thuật đơn giản, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trong môi trường gia đình, nhà trường.
Ở THCS, môn Công nghệ đề cập tới tri thức, kỹ năng về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lý cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; cơ sở ban đầu về thiết kế kỹ thuật; phương pháp lựa chọn nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua các chủ đề: Công nghệ trong gia đình; nông - lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và thiết kế kỹ thuật; công nghệ và hướng nghiệp.
Nội dung môn Công nghệ trong giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp chú trọng tới những kiến thức tổng quan, đại cương và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ, vai trò, ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội, mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực khoa học khác; các tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và kết nối được với các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thuộc một trong hai định hướng công nghiệp và nông nghiệp mà HS lựa chọn sau khi tốt nghiệp.
Trong dạy học công nghệ, có những nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả HS đều phải học. Bên cạnh đó, có những nội dung có tính đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của HS, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền.
>>> XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Công Nghệ lớp 11 học kỳ I
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo giáo dục và đào tạo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn