Chuyện bây giờ mới kể về nỗi niềm của giáo viên dạy hòa nhập

Thứ tư - 26/12/2018 21:17
Không đơn thuần chỉ là người dạy chữ, những giáo viên dạy học sinh hòa nhập còn chịu nhiều khó khăn, vất vả và áp lực. Áp lực từ phía học sinh với những tình huống “khó đỡ”, những câu chuyện “dở khóc, dở cười” do chính học sinh tạo ra và áp lực từ phía phụ huynh.
Giáo viên dạy hòa nhập - Nỗi niềm chỉ những người trong cuộc thấu hiểu
Giáo viên dạy hòa nhập - Nỗi niềm chỉ những người trong cuộc thấu hiểu

Nếu chỉ tâm huyết, trách nhiệm, yêu thương thôi vẫn chưa đủ mà giáo viên dạy hòa nhập cần trang bị cho mình những kỹ năng sư phạm để tháo gỡ những “sự cố” ngoài mong muốn.

Luôn phải đối diện với những tình huống “khó đỡ”

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, hầu như năm nào cô Nguyễn Ngọc Hạnh – Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng được Ban Giám hiệu phân công dạy lớp 1, trong đó có học sinh học hòa nhập. Có em bị thiểu năng trí tuệ, có em bị dị tật bẩm sinh, hoặc tự kỷ theo dạng tăng động. Khổ nỗi, khi gửi con đến trường, nhiều phụ huynh không biết hoặc cố tình giấu nhà trường, giáo viên về tình trạng của con mình. Trong quá trình dạy, giáo viên mới phát hiện rồi báo cho phụ huynh.

noi niem day hoa nhap 2
Giáo viên dạy hòa nhập luôn đối mặt với những tình huống “dở khóc, dở cười”

Theo cô Nguyễn Ngọc Hạnh, dạy hòa nhập, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và chịu nhiều áp lực. Áp lực từ chính những tình huống “dở khóc dở cười” mà học sinh tạo nên và từ phía phụ huynh. “Có hôm tôi đang mải miết giảng bài thì em học sinh học hòa nhập đó đùng đùng nhảy lên bàn la hét. Còn có những em cào, cấu hoặc cắn bạn bè thậm chí tự làm tổn thương mình. Nói chung là muôn màu, muôn vẻ mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được” - cô Hạnh chia sẻ.

Cô Hạnh nhớ lại câu chuyện về một học sinh tăng động khiến cô bị hiểu nhầm: Hôm đó, là giờ học tiếng Việt, cả lớp đang chăm chú học bài thì bỗng nghe tiếng khóc thét của một học sinh nữ. Thì ra em này bị bạn học sinh tăng động cắn chảy máu tay. Xử lý xong tình huống, gần cuối tiết học bỗng dưng em này đứng lên bàn “múa võ” rồi vô tình bị ngã, khiến bầm tím ở tay, chân và mông.

“Hôm sau, phụ huynh của em học sinh bị tăng động đó ngồi ở phòng hội đồng chờ tôi. Vừa bước vào, vị phụ huynh đó đã trách cứ tôi để con cái họ bị chấn thương. Thậm chí trong câu nói, họ còn nghi ngờ tôi bạo hành trẻ. Không để tôi giải thích, vị phụ huynh đó “thao thao bất tuyệt” một hồi. Tôi im lặng và không nói gì thêm vì biết rằng, giải thích thêm lúc này cũng sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Sau đó, tôi mời phụ huynh đó xuống lớp tham quan và để bác ấy nói chuyện với các bạn học sinh trong lớp về sự việc xảy ra đối với con trai họ. Cuối cùng, vị phụ huynh đó đã hiểu và xin lỗi tôi, đồng thời nhờ tôi cho địa chỉ nhà học sinh nữ bị cắn để đến xin lỗi” - cô Hạnh kể lại.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân - người có hơn 15 năm dạy hòa nhập tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái, không phải trẻ khuyết tật nào cũng giống nhau và không phải trẻ nào cũng có thể hòa nhập được.

noi niem day hoa nhap 3
Mỗi trẻ hòa nhập sẽ có đặc điểm khác nhau đòi hỏi giáo viên phải tinh tế tìm hiểu
Chỉ riêng với những trẻ bị tự kỷ cũng có nhiều trường hợp. Có em thì chỉ ngồi một chỗ, không giao tiếp với bất kỳ ai. Có em tăng động, chạy nhảy lung tung trong lớp như chốn không người. Việc các em tự tát, cào vào mặt mình, hoặc tự cấu mình, cấu bạn là chuyện không hiếm.

“Có hôm tôi vừa đến lớp, đã được học sinh đó tặng ngay một vết cắn vào tay. Còn có hôm, vừa bước vào phòng, những tưởng được học trò ra chào đón nên thấy bất ngờ, lòng khấp khởi niềm vui. Thế nhưng tôi vỡ mộng. Em đó cầm tay cô rồi quay tít như chong chóng. Buộc tôi phải đồng điệu cùng với em, rồi tìm cách tháo gỡ, nếu không em sẽ bị ngã” - cô Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ.

Cô Vân kể tiếp, còn có những chuyện cười ra nước mắt. Một hôm trong giờ ra chơi, loáng một cái đã không thấy học trò đâu. Cô tá hỏa đi tìm, sau đó phát hiện học sinh của mình đang “rong chơi” trên ngọn cây, khiến các thầy, cô được phen “hú vía”. Còn có em chui vào bụi rậm như kiểu đang chơi trò trốn tìm với bạn.

Mỗi học sinh là một trang giáo án

“Mỗi em một khác, không ai giống ai. Vì thế, chúng tôi thường nói vui với nhau là: Mỗi học sinh là một trang giáo án, bởi giáo viên phải hiểu rõ từng học sinh của mình để có phương pháp giáo dục hiệu quả” - cô Nguyễn Thị Ái Vân trao đổi.

noi niem day hoa nhap 4
Mỗi học sinh là một trang giáo án yêu cầu giáo viên hiểu rõ để có phương pháp giáo dục
Song theo cô Vân, quan trọng nhất là giáo viên phải có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. “Chẳng hạn như trường hợp tôi bị học sinh cắn vào tay. Nếu không hiểu học sinh của mình và nếu không kiềm chế cảm xúc, rất có thể giáo viên sẽ phản ứng như: Giằng co với em đó, thậm chí theo phản xạ có thể vung tay tát học sinh.

Cách xử lý của tôi là: Hướng học sinh chú ý đến cái khác. Ví dụ: Với học sinh thường hay cắn người khác nhưng em này rất thích được mát xa. Vì thế, khi tôi bị em đó cắn, ngay lập tức tôi mát xa vùng cổ và lưng cho em ấy. Vậy là tình huống được giải quyết. Hay như trường học sinh quay tròn trước lớp. Em này rất thích đồ chơi màu đỏ. Ngay lập tức tôi hướng dẫn học sinh khác lấy đồ chơi màu đỏ ra để dụ em đó, và tình huống đã được tháo gỡ” - cô Vân dẫn giải.

Theo cô Vân, để biết được đặc điểm của từng em học sinh như vậy, đòi hỏi giáo viên phải tinh tế và sát sao, nắm bắt được tính nết, sở thích của từng em.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: Giáo viên dạy hòa nhập, không chỉ nhẹ nhàng, kiên nhẫn, yêu thương học sinh, mà còn phải có kỹ năng sư phạm tốt, nhất là kỹ năng xử lý tình huống.

noi niem day hoa nhap 5
Giáo viên dạy hòa nhập cần kiên nhẫn, yêu thương và có kỹ năng sư phạm tốt
“Vất vả nhất là khi dạy những học sinh này, các em không hợp tác. Nhiều em còn không biết mình đang học lớp mấy và cô giáo mình tên là gì. Có em còn không có khả năng phục vụ bản thân từ việc mặc quần, áo cho đến vệ sinh cá nhân. Có những bài “i, t” cũng phải mất đến 3 - 4 ngày các em mới thuộc.” - cô Hạnh giải bày nỗi niềm.

Chẳng hạn với học sinh tăng động, tự do chạy nhảy trong lớp, việc đầu tiên là giáo viên phải yêu cầu học sinh ngồi xuống và giao nhiệm vụ cho em đó làm.

Theo đó, nên hướng đến sở thích riêng của học sinh. Nếu em thích vẽ có thể cho vẽ, nếu thích làm Toán thì giao thêm bài tập cho trẻ… Khi đó cô trò mới có thể tiếp tục dạy - học. “Với những học sinh này, kỷ luật “thép” không phải là giải pháp tối ưu” - cô Hạnh chia sẻ.

Hy vọng với bài viết được AZtest chia sẻ trên đây sẽ phần nào nói lên nỗi lòng của những nhà giáo vẫn đang tận tâm với những học trò “kém may mắn”. Mong rằng thầy cô sẽ luôn kiên định, vững vàng để các em được giáo dục một cách tốt nhất.

----------------------------------------------------------------------------------------------------

AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.

Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest

  

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn