“Lạm bàn” về công tác giảng dạy môn Lịch sử

Thứ ba - 10/09/2019 05:37
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh chán môn Lịch sử là do phương pháp giảng dạy Lịch sử thiếu sinh động và không hấp dẫn. Vậy nên việc làm sao để cho việc giảng dạy Lịch sử sinh động hơn, hấp dẫn hơn đang được nhiều người quan tâm.
Các trường học ở TP Vinh, Nghệ An tổ chức giờ học ngoại khóa về lịch sử cho các em tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Ảnh Kiều Nga
Các trường học ở TP Vinh, Nghệ An tổ chức giờ học ngoại khóa về lịch sử cho các em tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố. Ảnh Kiều Nga

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Lịch sử là môn có điểm trung bình thấp nhất với 4,3 điểm, 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Điều này không có gì là lạ bởi trong nhiều năm qua, điểm thi môn Lịch sử luôn ở mức thấp nhất trong các môn được lựa chọn để thi tốt nghiệp (năm 2016, điểm trung bình của môn Lịch sử là 4,32, năm 2017 là 4,6 và năm 2018 là 3,79,...)

Phương pháp dạy lịch sử quá cũ kỹ và lạc hậu

Trong chương trình Câu chuyện văn hóa phát trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 20h35 ngày 08/8/2019 đã đặt ra vấn đề “Đừng để giới trẻ quay lưng lại với Sử” đã nêu nhiều ý kiến của các bạn trẻ về việc không thích học Sử, không thích thi môn Lịch sử bởi các lý do, như: Quá nhiều sự kiện và con số phải nhớ, vì lượng kiến thức quá nhiều nên buồn ngủ, vì thiếu sống động, ít quan hệ với các môn học khác nên không hấp dẫn, không liên tưởng đến cuộc sống, sẽ khó nhằn và bị điểm kém trong kỳ thi,…
Họ cũng trình bày ý kiến của các chuyên gia cho rằng sách giáo khoa Lịch sử quá nhiều kiến thức và thiên về học thuộc, người dạy sử thì theo lối mòn, ít sự chắt lọc, ít sáng tạo và quá khô khan. Những vấn đề này theo tôi biết đã được đặt ra gần hai thập kỷ trước, nhưng cho đến giờ vẫn tiếp tục và trở nên phổ biến.

Xin dẫn ra câu chuyện mà tôi được biết và được trải nghiệm. Một cô giáo mà tôi từng rất quý mến và gần gũi đã cho tôi thấy rằng trong hơn ba chục năm đứng lớp dạy Lịch sử ở cấp PTTH, nội dung cuốn giáo án của cô gần như không thay đổi. Theo như cô nói, “lịch sử đâu thể thay đổi”, nên kiến thức nó vẫn vậy... Chỉ là hàng năm, chính cô cũng phải chép lại giáo án của mình vì có lúc thanh tra sẽ kiểm tra. Với nội dung như vậy, và phương pháp dạy thì cô đọc trò ghi chép. Ôn thi là cách học thuộc các câu hỏi. Cứ như vậy mà bao thế hệ trôi qua môn Lịch sử nó vẫn vậy. Khi tôi mang vở ghi chép về môn Lịch sử do cô giảng dạy ở ba giai đoạn khác nhau thì nội dung chẳng khác gì nhau. Đó là vở ghi chép của chị gái đầu của tôi học vào đầu những năm 1990, tôi học vào đầu những năm 2000 và cháu tôi (con chị gái tôi) học vào đầu những năm 2010.
Qua trao đổi với nhiều người, tôi biết, những câu chuyện như vậy khá phổ biến trong nền giáo dục phổ thông trong một giai đoạn dài, nhất là ở vùng nông thôn, vốn ít sách vở tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận những kiến thức từ giáo viên là kênh gần như quyết định. Sự cũ kỹ về phương pháp là một trong những nguyên nhân làm cho môn Lịch sử càng ngày càng nhàm chán và dần dà càng bị xã hội coi nhẹ. Vậy nên việc tìm ra những phương pháp giảng dạy mới sinh động và hấp dẫn hơn trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với những người quan tâm đến môn Lịch sử.

Xây dựng những phương pháp dạy lịch sử giàu tính trực quan và sự trải nghiệm cho học sinh

Phương pháp giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường đang thiếu trực quan và thiếu sự trải nghiệm cho học sinh. Giáo viên cầm cuốn giáo án và sách giáo khoa lên lớp. Học sinh thì cầm bút vở ngồi vào bàn. Chẳng có gì ngoài lời cô thầy đọc và học sinh cúi mặt ghi chép. Nếu có ngẩng mặt lên cũng chỉ nhìn thấy giáo viên đang đọc và các bạn khác đang chép như mình thôi. Vậy nên mới “khó nhằn”, nhất là với các học sinh thiếu kiên nhẫn. Liệu có thể dạy và học Lịch sử bằng một cách nào đó sinh động hơn, giúp học sinh thích thú hơn với môn học này? Có, mà không chỉ một cách.

Trước hết, đó là sử dụng các tài liệu trực quan hơn, sinh động hơn như truyện tranh lịch sử, phim truyện lịch/dã sử. Học sinh rất đam mê những món này. Những bộ phim dã sử của Trung Quốc hàng chục tập mà vẫn xem đi xem lại đến thuộc lòng. Bao nhiêu truyện tranh Nhật Bản được các em học sinh chờ hàng tuần để đón đọc. Cớ gì mà ta không làm được. Và thật sự thì đã có nơi làm. Đó là tủ sách tranh truyện lịch sử Việt Nam do nhà xuất bản Kim Đồng xây dựng trong nhiều năm qua đã được nhiều bạn đọc đón nhận, và ở góc độ nào đó, nó đã tạo ra được một làn gió mới trong học lịch sử và giúp các em học sinh tiếp cận lịch sử một cách trực quan hơn, sinh động hơn. 

Tuyển tập tranh truyện Lịch sử Việt Nam
Tuyển tập tranh truyện Lịch sử Việt Nam

Gần đây, phương pháp dạy học lịch sử của một cô giáo trẻ ở Hải Dương được các em học sinh rất thích thú và đã được truyền thông đưa lên như là một phương pháp có giá trị trong dạy lịch sử. Cô giáo này đã tạo nên tính trực quan và sự trải nghiệm cho học sinh về lịch sử qua từng tiết dạy. Cô chia nhóm học trò ra, xây dựng những câu chuyện lịch sử liên quan đến nội dung môn học rồi gợi ý cho các em nhiều cách thức để thể hiện nó. Từ việc để các em đóng vai các nhân vật lịch sử trong những đoạn kịch ngắn do các em xây dựng, làm các clip lịch sử sôi động theo góc nhìn của học sinh đến việc phỏng vấn các nhân vật lịch sử mà các em tự xếp vai, rồi chơi những trò chơi liên quan đến nội dung lịch sử của buổi học. Tất cả những điều đó tạo cho học sinh nhiều cách tiếp cận lịch sử hấp dẫn, vừa được nghe, vừa được xem, vừa được chơi, thậm chí còn được đóng vai nhân vật lịch sử hay phỏng vấn nhân vật lịch sử…. Việc của cô giáo là hướng dẫn để học sinh có trật tự và làm sao để nội dung không đi ra khỏi khung kiến thức cơ bản, không vượt ra ngoài bài giảng và càng không xuyên tạc lịch sử.

Thực ra, câu chuyện giảng dạy môn lịch sử thiếu trực quan và thiếu trải nghiệm cho học sinh đã được nói đến từ lâu. Khi trao đổi với phóng viên truyền hình, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã cho rằng: Sách giáo khoa Lịch sử hiện tại của chúng ta đang quá nặng nề về kiến thức và con số. Trong khi đó, ở nước ngoài, như ở Pháp, sách giáo khoa Lịch sử nhìn sinh động hơn. Họ dạy cho học sinh qua những bức tranh, hình ảnh, bản đồ,…. Các bài viết trong sách cũng cố gắng thật ngắn gọn và thể hiện nhẹ nhàng, sinh động. Và thực tế, từ hơn một thập niên trước, các nhà bảo tàng học ở Việt Nam cũng đã nói nhiều đến vấn đề kết nối giữa hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử với hệ thống giáo dục để giảng dạy cho học sinh về lịch sử.

Nhưng cho đến nay, cả nước chỉ có khoảng 40 trường học kết nối với các bảo tàng để tổ chức các lớp học ngoại khóa nhằm bổ sung kiến thức và nâng cao tình yêu đối với môn Sử học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sự chỉ đạo về việc tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh đến các bảo tàng, các di tích lịch sử để học thêm về môn Lịch sử. Nhưng một thực trạng đáng buồn là người ta tổ chức các lớp học này mang tính đối phó hơn là coi trọng nó như một phương pháp dạy học Lịch sử. Các nhà trường hàng năm vẫn báo cáo đưa mấy trăm, mấy ngàn học sinh đi tham quan học tập tại nhiều bảo tàng, di tích lịch sử. Còn ngược lại, các bảo tàng cũng báo cáo hàng năm đón tiếp và tổ chức giáo dục lịch sử, tổ chức trải nghiệm cho hàng ngàn, hàng vạn học sinh từ các nhà trường. Cả hai đều xem như đó là những thành tựu, những đóng góp của bảo tàng, của nhà trường, của khu di tích vào việc nâng cao trải nghiệm, góp phần dạy cho học sinh về lịch sử. Nhưng như PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nhận định: Việc mấy trăm học sinh đến bảo tàng trong 45 phút hay một tiếng đồng hồ thì khó để mà nói là trải nghiệm bảo tàng hay học tập môn lịch sử từ đây được.

Trải nghiệm bảo tàng phải đi theo các nhóm nhỏ, được tổ chức chu đáo nhằm khai thác các giá trị lịch sử từ các hiện vật trong bảo tàng. Nói vậy để thấy, việc kết nối giữa ngành Giáo dục với các bảo tàng, các khu di tích lịch sử trong dạy học môn Lịch sử hiện nay vẫn chưa có hiệu quả, còn mang tính hình thức và bị ảnh hưởng của chủ nghĩa thành tích.

Như vậy, có rất nhiều cách để làm cho môn Lịch sử giàu tính trực quan và tính trải nghiệm. như đã nêu trên. Nhưng xét cho cùng con người vẫn là yếu tố quyết định. Và chúng ta hiện nay đang thiếu những người tâm huyết để làm cho môn Lịch sử hấp dẫn hơn như cách mà cô giáo trẻ ở Hải Dương đã làm. Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các công cụ làm giàu cho tính trực quan ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng vẫn chưa được khai thác để đưa vào giảng dạy trong môn học này.

>>> Xem thêm: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử lớp 8.

Nguồn tin: vanhoanghean.com.vn

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn