Bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hấp dẫn - Phần 2
>>>Xem thêm: Bí quyết để có những giờ dạy Địa lý hấp dẫn - Phần 1
I. DẠY HỌC ĐỊA LÝ HIỆU QUẢ VỚI PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ HÓA
Sơ đồ thực tế là một phương tiện trực quan, thể hiện mối liên hệ giữa các đối tượng, các thành phần bằng các mũi tên, bảng biểu... phản ánh cấu trúc và logic bên trong của một khối lượng kiến thức một cách khái quát, súc tích và trực quan cụ thể.
Dựa vào lý thuyết trên cô giáo Hoàn Thị Bích Quyên (Trường THPT Mỹ Tho - Nam Định) đã vận dụng vào những giờ dạy Địa lý của mình.
Sơ đồ thực tế là một phương tiện trực quan, thể hiện mối liên hệ giữa các đối tượng, các thành phần bằng các mũi tên, bảng biểu... phản ánh cấu trúc và logic bên trong của một khối lượng kiến thức một cách khái quát, súc tích và trực quan cụ thể.
1. Yêu cầu của việc xây dựng sơ đồ
Khi xây dựng sơ đồ, cần lưu ý những yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm, tư tưởng, tính mỹ thuật.
- Về tính khoa học: Nội dung sơ đồ phải bám sát nội dung của bài học, các mối quan hệ phải là bản chất, khách quan chứ không phải do người xây dựng sắp đặt. Tuy nhiên hình thức chủ quan của sơ đồ phụ thuộc vào người lập sơ đồ. Cùng một khối lượng kiến thức, có nhiều cách xây dựng sơ đồ khác nhau. Sơ đồ phải sử dụng phù hợp với nội dung, kiểu bài và đối tượng cần nghiên cứu ; phải đảm bảo tính logic, chính xác khoa học.
- Tính sư phạm, tư tưởng: Sơ đồ phải có tính khái quát hóa cao, qua sơ đồ học sinh có thể nhận thấy ngay các mối quan hệ khách quan, biện chứng. Điều này đòi hỏi người xây dựng sơ đồ phải vận dụng nhiều thao tác tư duy khác nhau như so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, bổ sung, mở rộng..., phải chọn lựa kiến thức cơ bản tối thiểu và vừa đủ, mã hoá kiến thức một cách cô đọng, súc tích.
- Tính mỹ thuật: Bố cục của sơ đồ phải hợp lý, cân đối, nổi bật trọng tâm và các nhóm kiến thức. Có thể sử dụng rộng rãi các phương tiện mã hóa (các loại kí hiệu, ô khung, mũi tên, màu sắc...).
2. Cách xây dựng sơ đồ
Để xây dựng sơ đồ, trước hết người dạy phải chọn lựa bài dạy phù hợp; xác định được trọng tâm của bài; xác định được khái niệm cơ bản và những khái niệm (nội dung) phát triển, mở rộng và mối liên hệ giữa các kiến thức.
Dựng sơ đồ có thể qua các bước :
-
Bước 1: Xác định tên sơ đồ (tên phải phù hợp với nội dung sơ đồ sẽ xây dựng).
-
Bước 2: Lựa chọn các thành phần có quan hệ cần phải đưa lên sơ đồ (lựa chọn phải theo các tiêu chí nhất định, không để sót các thành phần).
-
Bước 3: Đặt các thành phần lựa chọn vào đúng các khung dự kiến dựa trên vai trò tác động của chúng đối với các thành phần khác.
-
Bước 4: Vẽ các mũi tên hoặc các đoạn thẳng nối các ô, khung lại với nhau thể hiện các mối quan hệ giữa các thành phần (tác động trực tiếp hay gián tiếp, tác động một chiều hay qua lại). Đối với sơ đồ dạng bảng, không cần sử dụng bước này.
3. Cách sử dụng sơ đồ
-
Sử dụng sơ đồ để chứng minh hay giải thích dùng để phản ánh nội dung bài học một cách trực quan
-
Sử dụng sơ đồ tổng hợp dùng để ôn tập tổng kết hay hệ thống hoá kiến thức của một chương, một phần của bài học
-
Sơ đồ kiểm tra dùng để đánh giá năng lực tiếp thu hiểu biết của học sinh, đồng thời giúp giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học
Ví dụ: Khi dạy nội dung 2a của bài “Vị trí địa lý Việt Nam”, giáo viên có thể sử dụng sơ đồ sau.
Với vai trò là giải thích mối liên hệ giữa hai đối tượng địa lý, giáo viên có thể sử dụng sơ đồ theo các bước sau:
Khi dạy đến mục 2a, giáo viên có thể dựng ngay sơ đồ và cùng học sinh hoàn thiện dần sơ đồ kết hợp phương pháp đàm thoại – gợi mở, nội dung SGK.
Các câu hỏi của giáo viên cơ thể sử dụng: Nhắc lại cho cô các đặc điểm chính về mặt tự nhiên của vị trí địa lý Việt Nam? Vị trí nằm trong vùng nội chí tuyến có ý nghĩa gì? Vị trí nằm giáp biển Đông có ý nghĩa gì? Vị trí nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa châu Á có nghĩa gì?
Đối với đối tượng là học sinh khá, giỏi, giáo viên cơ thể sử dụng sơ đồ dưới đây để giải thích cho học sinh về mối liên hệ giữa vị trí địa lý với các đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam. Tuy nhiên với sơ đồ này, giáo viên phải mở rộng cho học sinh nhiều kiến thức nên phương pháp đi kèm là giảng giải, tức là giáo viên đưa sơ đồ ra trước và giải cho học sinh.
Các sơ đồ dạng này phù hợp nhất trong việc phản ánh các mối liên hệ nhân quả trong địa lý tự nhiên 12, chỉ rõ đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả và giải thích cho nhiều hiện tượng trong địa lý.
Tuy nhiên đây là dạng sơ đồ đòi hỏi người giáo viên phải nắm chắc, đào sâu kiến thức, tìm được nguyên do, lý giải được nhiều hiện tượng trong địa lý. Học sinh được làm quen nhiều với các sơ đồ này, các em sẽ hình thành được tư duy logic, hiểu rõ bản chất của các hiện tượng cũng như hứng thú tìm tòi lý giải các hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh mình.
4. Hướng dẫn học sinh tự dựng sơ đồ
Khi học sinh tự dựng được sơ đồ, hiệu quả của phương pháp sơ đồ hoá sẽ là cao nhất. Vì muốn xây dựng sơ đồ, ngoài việc có kỹ năng đọc sách giáo khoa học sinh phải sử dụng các thao tác tư duy cơ bản như phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, hệ thống hóa,… để cùng một lúc vừa phân tích đối tượng nhận thức thành các sự kiện, các yếu tố cấu thành lại vừa phải tổng hợp chúng lại, thiết lập các mối quan hệ qua lại giữa chúng.
Cách 1: Giáo viên có thể tổ chức bài học để học sinh rèn luyện kỹ năng sơ đồ hoá theo các bước sau:
-
Bước 1: Nêu nhiệm vụ học tập (ghi các nội dung chính của bài học lên bảng và yêu cầu học sinh làm rõ các nội dung bằng phương pháp sơ đồ hoá);
-
Bước 2: Chia lớp thành các nhóm ( phương pháp thảo luận nhóm sẽ tạo ra tinh thần học tập sôi nổi, có sự cạnh tranh cao);
-
Bước 3: Yêu cầu các nhóm nghiên cứu SGK, chọn lựa dạng sơ đồ phù hợp;
-
Bước 4: Các nhóm đưa ra các sơ đồ của mình, giáo viên đánh giá, tổng kết;
Cách 2: Giáo viên khuyến khích học sinh ôn tập kiến thức bằng cách sơ đồ hoá trong quá trình tự học ở nhà và chuẩn hoá kiến thức giúp các em có các sơ đồ hoàn thiện nhất.
Dạy học Địa lý theo sơ đồ sẽ giúp hệ thống hóa kiến thức một cách logic, rõ ràng và sinh động. Nhờ đó giáo viên dễ dàng truyền đạt và học sinh dễ dàng tiếp thu hơn. Đây là một phương pháp dạy học độc đáo, sáng tạo mà giáo viên nên thường xuyên áp dụng vào các giờ dạy của mình.
II. DẠY HỌC ĐỊA LÝ THÔNG QUA TRÒ CHƠI VỚI ATLAT
Đó là kinh nghiệm của thầy Tô Ngọc Đức - Trường THPT Trần Cao Vân (Chư Sê, Gia Lai).
1. Thiết kế trò chơi
Với mong muốn tạo hứng thú học tập của học sinh với Atlat để nâng cao hiệu quả dạy học, thầy Tô Ngọc Đức đã đưa ra một số kinh nghiệm mà chính bản thân thầy đã áp dụng trong thời gian qua khi dạy học môn Địa lý, nhất là đối với học sinh lớp 12 đó là: Hướng dẫn ôn tập và tổ chức trò chơi với Atlat địa lý Việt Nam.
Theo đó, thầy Tô Ngọc Đức, đưa ra các câu hỏi ôn tập ở các mức độ khác nhau, học sinh dựa vào bản đồ trong Atlat để trả lời câu hỏi. "Việc này rất quan trọng vì sau này các em cũng sẽ sử dụng Atlat để làm bài kiểm tra, trả lời bài cũ…Riêng phần trò chơi với mỗi trang Atlat tôi thiết kế các trò chơi khác nhau, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào Atlat để chơi, việc thi đua giữa các nhóm sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các em thi đua học tập" - thầy Tô Ngọc Đức chia sẻ.
Thầy Tô Ngọc Đức dẫn giải, chẳng hạn như trò chơi: Ai nhanh hơn. Thầy đưa ra luật chơi như sau: Chia lớp ra thành 4 đội tham gia trả lời nhanh các câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng được cộng 10 điểm, nếu trả lời sai trừ 5 điểm.
Ví dụ:
Câu hỏi | Đáp án |
Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh nào có diện tích lớn nhất nước ta? | Nghệ An |
Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh nào có diện tích lớn thứ 2 nước ta? | Gia Lai |
Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh, TP nào có diện tích nhỏ nhất nước ta? | Bắc Ninh |
Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh, TP nào có dân số lớn nhất nước ta? | TP HCM |
Em hãy cho biết, tính đến năm 2012, tỉnh nào có dân số nhỏ nhất nước ta? | Bắc Kạn |
2. Tăng thêm vốn hiểu biết về kiến thức Địa lý
Theo thầy Tô Ngọc Đức, qua việc tổ chức trò chơi các em không chỉ tăng thêm vốn hiểu biết về kiến thức địa lý Việt Nam mà còn kích thích hứng thú học tập của học sinh đối với bộ môn.
Quan trọng hơn nữa là rèn luyện cho các em kỹ năng làm việc với bản đồ, củng cố các kỹ năng sử dụng Atlat… Ngoài ra còn rèn luyện tính tự lập và tinh thần tập thể của các em.
"Khi học sinh được chủ động trong hoạt động học, đặc biệt có sự thi đua giữa các cá nhân, các nhóm sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho tiết dạy. Trong sự đa dạng của các hoạt động dạy của môn địa lý thì trò chơi với Atlat cũng là một hoạt động học tập hấp dẫn mà thực tế đã kích thích được hứng thú học tập của học sinh. Đặc biệt đối với chương trình của học sinh lớp 9 và lớp 12 là các năm mà kiến thức bài học gắn với Atlat rất nhiều" - thầy Tô Ngọc Đức trao đổi.
“Việc học và ôn tập kiến thức qua Atlat sẽ giúp học sinh nhớ bài nhanh hơn, lâu hơn bởi vì Atlat có tính trực quan cao. Có thể nói ngoài việc sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để ôn tập, tổ chức trò chơi ra, quyển Atlat còn có thể khai thác, sử dụng trong dạy học bằng nhiều cách khác nhau nữa, như để thảo luận, tranh luận một chủ đề, làm các bài thực hành…" - thầy Tô Ngọc Đức chia sẻ thêm.
Hy vọng với những bí quyết được AZtest chia sẻ cùng với sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy học, thầy cô sẽ có được những giờ dạy chất lượng, thành công.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn