Dạy ngoại ngữ bằng dự án: Hiệu quả bất ngờ

Thứ sáu - 18/01/2019 22:38
Học theo dự án là một hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống từ đó giúp các em cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp nhất là giao tiếp với người nước ngoài bằng Tiếng Anh.
Hâm nóng giờ học tiếng Anh với phương pháp dạy học dự án
Hâm nóng giờ học tiếng Anh với phương pháp dạy học dự án
Tận dụng những ưu điểm trên, nhóm giáo viên Nguyễn Thị Xuân Lan, Bùi Phương Chi, Đặng Thị Bích Huệ (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ninh Bình) đã nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cụ thể khi sử dụng phương pháp dạy học theo dự án theo chủ đề tích hợp nhằm phát triển kỹ năng nói Tiếng Anh cho học sinh khối 10 và 11.

DẠY HỌC THEO DỰ ÁN: PHƯƠNG PHÁP ĐƯA LÝ THUYẾT THÀNH THỰC TIỄN

Nhằm tạo hứng thú cho học sinh trong giờ thực hành nói Tiếng Anh, giáo viên cho học sinh chọn chủ đề mà các em yêu thích, thiết thực gần gũi với đời sống hàng ngày.
Ví dụ:

  • Trong bài 7, phần Speaking - Lớp 11 (Unit 7 – World population), thay cho việc yêu cầu học sinh nói về nguyên nhân, hậu quả của việc bùng nổ dân số thế giới, giáo viên có thể cho học sinh tìm hiểu về dân số một số địa bàn lân cận quanh khu vực mình sinh sống.

  • Trong bài 10, phần Speaking - Lớp 11 (Unit 10- Nature in danger), thay việc nói về các biện pháp bảo vệ môi trường nói chung, giáo viên có thể cho học sinh nói về ô nhiễm môi trường tại một số khu dân cư nơi các em đang sống. Để hiểu thêm, các em đã được giáo viên cho đi thực tế từ đó tăng thêm vốn kiến thức, tự tin hơn trong giao tiếp

Như vậy, thay cho việc áp đặt nội dung nói cho học sinh, giáo viên cho học sinh tự sáng tạo, miễn là các em có cơ hội nói Tiếng Anh về chủ đề mà mình yêu thích.
Khuyến khích tất cả mọi học sinh tham gia vào các hoạt động nói, gợi ý cho học sinh yếu kém sử dụng những ngôn từ đơn giản, phù hợp với trình độ của các em từ đó phá bỏ cảm giác sợ hãi mặc cảm tự ti của những học sinh này khi nói Tiếng Anh.
Khuyến khích học sinh sử dụng Tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc, cả khi đi thực tế và khi trao đổi thông tin trong nhóm.

day hoc tieng anh theo du an 2
Học sinh lựa chọn chủ đề và làm việc theo nhóm

Một số lưu ý

  • Để sử dụng hiệu phương pháp dạy học theo dự án thông qua các chủ đề tích hợp nhằm khuyến khích học sinh nói Tiếng Anh, giáo viên cần xác định rõ nội dung chủ đề rõ ràng, thời lượng cho từng tiết dạy có thể áp dụng phương pháp này, tránh tình trạng cho học sinh áp dụng một cách lan man, không rõ chủ đề

  • Giáo viên đồng thời phải hướng dẫn học sinh sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả, giảm thiểu thời gian và tiền bạc, tránh mất nhiều thời gian của học sinh.
    Bên cạnh đó, chú ý phân bố học sinh trong nhóm làm việc cân đối giữa tỉ lệ giỏi, khá, trung bình, yếu, kém;

  • Giao nhiệm vụ cho học sinh một cách rõ ràng, đưa ra thời gian thực hiện cụ thể. Giáo viên phải đưa ra nhận xét cụ thể cho từng bài nói của mỗi nhóm từ đó động viên các em kịp thời.

Ví dụ: Về giờ dạy “Speaking” sử dụng phương pháp dạy học theo dự án theo chủ đề tích hợp nhằm phát triển kỹ năng nói Tiếng Anh cho học sinh lớp 10 và 11:
Những tiết dạy nói có thể áp dụng phương pháp dạy học theo dự án:

STT LỚP  BÀI TRONG SGK 
 

Nội dung có thể áp dụng

phương pháp dạy học theo dự án

1 10 Unit 3 – People’s background Speaking about someone’s background
2 10 Unit 9 – Undersea world Talk about causes and consequences of sea problems.

Offer solutions to sea problems.
3 10 Unit 12 - Music Talk about favourite kind of music
4 10 Unit 16 – Historical places Talk about a historical place in Ninh Binh
5 11 Unit 7 -Population Talk about the causes of population explosion, problems of population booms and solutions to these problems.
6 11 Unit 8 - Celebrations Talk about one of the popular celebrations in Ninh Binh or in Viet Nam
7 11 Unit 10 – Nature in danger Talk about environmental pollution in Ninh Binh province: Causes, consequences and solutions.
8 11 Unit 16 – The wonders of the world Talk about the wonders of Ninh Binh province.

NHỮNG VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH DẠY HỌC TIẾNG ANH THEO DỰ ÁN ĐÃ THÀNH CÔNG
1. Tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học Tiếng Anh (Thầy Phí Văn Sốp - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót - Điện Biên)

Bên cạnh cung cấp thêm các kiến thức về môi trường, việc tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình Tiếng Anh lớp 10 giúp việc học tiếng Anh thú vị, gần gũi hơn với học sinh hơn, tạo hứng thú, tăng nhiệt tình học tập cho học sinh.
Bên cạnh đó, những ngữ liệu về môi trường sẽ giúp học sinh tự tin hơn trong các hoạt động nói, viết; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh.
Từ những ưu điểm này, thầy Phí Văn Sốp - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) - chia sẻ giải pháp tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình tiếng Anh lớp 10 với việc dạy kiến thức ngôn ngữ, rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua các ngữ liệu về môi trường.

day hoc tieng anh theo du an 3
Học sinh Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên)

Trong đó cung cấp, bổ sung thêm cho học sinh kiến thức chung về môi trường, giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn, bảo tồn các loài sinh vật, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần bị cạn kiệt.
Thiết kế bài tập giao học sinh chuẩn bị ở nhà trước bài học
Với hoạt động này, thầy Phí Văn Sốp lưu ý, bài tập cần được thiết kế vừa sức, đảm bảo có liên quan chặt chẽ với nội dung bài học hoặc giúp học sinh có thêm hiểu biết chuẩn bị tiếp thu bài học.
Đối với 3 đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh lớp 10 bao gồm: Unit 9: Undersea World; Unit 10: Conservation; Unit 11: National Parks, có thể sử dụng dạng tích hợp toàn phần.
Ở những đơn vị bài học này, giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ để học sinh chuẩn bị trước từng Unit, hoặc trước khi bước vào cả Chủ điểm Nature and Environment, học sinh sẽ sử dụng kết quả đó để tham gia các hoạt động học tập trên lớp.
Từ việc cung cấp kiến thức về môi trường, giáo viên cần định hướng cho học sinh về thái độ đối với môi trường sống, cung cấp cho các em một số kỹ năng để có thể chung tay bảo vệ môi trường sống nơi các em học, cư trú.
Huy động hiểu biết về môi trường
Nhấn mạnh kiến thức được sử dụng phải liên quan chặt chẽ với nội dung bài học hoặc làm nền tảng để học sinh tìm hiểu bài học, thầy Phí Văn Sốp chia sẻ cách thức thực hiện như sau:
Trong các bài giảng, giáo viên cần gợi mở để học sinh sử dụng những hiểu biết của mình về môi trường để tham gia các hoạt động học tập. Các hoạt động phần “Warm up” hoặc trong phần “Before you ... ” có thể phát huy tốt những kiến thức về môi trường của học sinh.
Ví dụ: Về các hoạt động học tập được thiết kế trong các giờ dạy tích hợp giáo dục môi trường trong hoạt động khởi động Unit 10: Conservation - Lesson 2. Speaking:
Tasks Sts to look at this picture and answer some questions:

  •  Where can you see elephants like these?
  •  Do they have enough food?
  •  Do they suffer from dangerous diseases?
  •  Do they feel happy?

Học sinh dùng hiểu biết về vườn thú kiểu cũ để trả lời các câu hỏi của giáo viên. Từ đó, giáo viên dẫn dắt học sinh đến sự cần thiết phải thiết lập các vườn thú kiểu mới mà ở đó các loài động vật được chăm sóc tốt hơn, chúng có sự tự do nhiều hơn trong môi trường gần hơn với tự nhiên.
Đặt vấn đề để học sinh suy nghĩ cuối bài học
Thầy Phí Văn Sốp cho rằng, việc đưa ra các vấn đề để học sinh suy nghĩ sau bài học cần gắn liền với nội dung bài học, đảm bảo không gây quá tải cho các em.
Cách thức thực hiện như sau: Sau mỗi bài học, trong phần “After you . . . ”, giáo viên có thể thiết kế một số câu hỏi, một số nhiệm vụ nhỏ nhằm giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường, giúp các em khắc sâu về nội dung bài học, mở rộng thêm và đôi khi nhấn mạnh lại một số kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Việc kiểm tra, đánh giá, theo thầy Phí Văn Sốp, cần được đổi mới theo một số hướng sau đây:
Kiểm tra đánh giá ngay trong quá trình giảng dạy chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kết quả đạt được của học sinh sau các đơn vị bài học. Kết hợp giữa giáo viên đánh giá học sinh với học sinh tự đánh giá, học sinh đánh giá lẫn nhau. Tăng cường sử dụng lời khen khi đánh giá kết quả hoạt động của học sinh. Ví dụ: “Well done! ”; “It’s a very good job!”...
Đưa các nội dung đã tích hợp vào nội dung các bài kiểm tra. Kết hợp kiểm tra nhiều kỹ năng, trong đó chú trọng kiểm tra phần kỹ năng nói của học sinh. Kiểm tra, đánh giá những nhiệm vụ mà giáo viên giao cho học sinh thực hiện trước và sau bài học.
Thầy Phí Văn Sốp cho rằng, việc đổi mới như vậy chắc chắn sẽ giúp học sinh nhận thấy được đánh giá đúng mức. Các em nỗ lực, cố gắng của bản thân được thầy cô ghi nhận. Bên cạnh đó, những nội dung đã tích hợp được đưa vào nội dung các bài kiểm tra sẽ giúp học sinh hứng thú học tập hơn.
Tích hợp giáo dục môi trường ở mức độ thấp
Ở một số đơn vị bài học, giáo dục môi trường không phải là mục tiêu chính của bài, tuy nhiên căn cứ vào nội dung, giáo viên có thể liên hệ, tích hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.

Ví dụ: ở Unit 1: A day in the life of ... - Lesson 3. Listening, trong phần “Before you listen”, khi học sinh trả lời câu hỏi “Is it interesting to travel by cyclo?” giáo viên có thể kết hợp giáo dục về các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường: To protect the environment, we should travel by bus, by bicycle or just walk more often…

2. Tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong dạy học tiếng Anh (Cô Vương Thị Thu Trâm, Giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình - Tiền Giang)

Để mang đến cho học sinh những tiết học thú vị, bổ ích, hiệu quả, cô Vương Thị Thu Trâm, giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình (Tiền Giang) đã có nhiều đổi mới trong dạy học.
Thông qua các tiết học dự án trong giảng dạy môn Tiếng Anh, cô đã mang lại cho học sinh sự hào hứng, sáng tạo, hình thành kỹ năng mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho học trò.

day hoc tieng anh theo du an 4
Cô giáo Vương Thị Thu Trâm

Lồng ghép GD kỹ năng sống trong giờ Tiếng Anh

Tích cực đổi mới phương pháp, không ngừng sáng tạo trong mỗi giờ giảng, cô đã tự mày mò, sáng tạo, xây dựng những bài giảng tiếng Anh tích hợp giáo dục kỹ năng sống, vừa là để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cũng là cách để trò luyện các kỹ năng tiếng Anh.
Cô Trâm chia sẻ: “Trong những năm gần đây, việc thay đổi phương pháp giảng dạy mới đã từng bước áp dụng ở các trường THPT nhằm phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động tham gia vào quá trình học tập của học sinh dưới sự tổ chức hỗ trợ của giáo viên. Khi đề cập đến giáo dục ngày nay, điều đầu tiên được nói tới là sự phàn nàn về việc quá tải trong học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, những mối quan tâm của trẻ không chỉ dừng lại ở việc học trong nhà trường. Chúng ta thường thấy rằng, giới trẻ hiện nay không biết cách ứng xử, sống ích kỷ... Môn Giáo dục công dân được dạy hàng tuần nhưng không gây được ảnh hưởng tích cực như mong muốn đến quá trình phát triển nhân cách học sinh. Việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Làm thế nào để giúp các em biết cách ứng phó trước tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ, làm thế nào để thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh? Đó không chỉ là mong muốn của những người làm công tác giáo dục mà còn là nhu cầu của các em.”

Đứng trước thực trạng đó, cô luôn băn khoăn và trăn trở là làm sao tạo được một tiết dạy đạt hiệu quả cao, thu hút được học sinh vào môn học để nâng dần chất lượng, và giúp học sinh hoàn thiện kiến thức của mình cũng như giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng sống của mình. Trong năm học 2017 - 2018, cô đã thực hiện đề tài “Nâng cao kỹ năng sống cho học sinh thông qua phương pháp dạy học dự án môn Tiếng Anh”. Đề tài của cô mang lại kết quả tốt, tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, là bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu Đề án ngoại ngữ của nhà trường.
Hiệu quả từ 4 bước dạy học phương pháp dự án

Trong phương pháp dạy học dự án, cô Trâm chia quy trình dạy học dự án gồm bốn bước:
Bước 1: Lập dự án, đây là bước chuẩn bị của giáo viên và học sinh (chủ yếu là của giáo viên) trước khi học sinh bắt tay vào thực hiện dự án. Bước này có vai trò lớn trong việc quyết định đến sự thành công của toàn bộ dự án.
Bước 2: Tìm thông tin và xử lý thông tin dựa trên kế hoạch đã vạch ra, mỗi nhóm triển khai dự án. Một trong những công việc quan trọng là tìm thông tin, mỗi nhóm cần xác định ai tìm thông tin gì? Ở đâu? Như thế nào? Xử lý thông tin là công việc hết sức quan trọng, mỗi nhóm cần phải chọn ra được những thông tin có giá trị nhất và sắp xếp những thông tin theo trật tự thích hợp nhất, vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm trong mỗi giai đoạn triển khai dự án. Sau đó nhóm tổng hợp kết quả nghiên cứu, tìm hiểu của các thành viên để viết báo cáo.
Bước 3: Các nhóm trình bày sản phẩm trước lớp. Hết thời hạn thực hiện dự án, giáo viên tổ chức một buổi để các nhóm học sinh trình bày sản phẩm về dự án của mình. Các nhóm cử đại diện trình bày kết quả thực hiện dự án của nhóm mình. Các nhóm khác theo dõi, thảo luận, trao đổi, nhận xét, đóng góp ý kiến về kết quả làm việc của nhóm bạn đồng thời đưa ra đánh giá (bằng điểm số) theo các tiêu chí đã nêu trong các phiếu đánh giá (mà giáo viên thiết kế).
Bước 4: Giáo viên kết hợp mọi quá trình đánh giá: Tự đánh giá của nhóm thực hiện, đánh giá của nhóm bạn, đánh giá của giáo viên (đánh giá định kỳ và đánh giá sản phẩm cuối cùng) để đưa ra kết luận về kết quả thực hiện dự án của các nhóm học sinh, của từng học sinh. Lúc này giáo viên cần đưa ra những nhận xét: Nhận xét về tinh thần, thái độ làm việc của các nhóm, các cá nhân trong quá trình thực hiện dự án. Nhận xét về chất lượng sản phẩm thực hiện dự án của các nhóm. Công bố điểm số của từng nhóm; thưởng điểm cho những cá nhân xuất sắc, có đóng góp lớn cho thành công của nhóm mình. Lựa chọn ra sản phẩm của nhóm xuất sắc để lưu lại trong thư viện của trường để tham khảo và trình bày trước toàn thể học sinh trong trường.
Cô Trâm cho biết: “Thông qua các hoạt động trong dự án, học sinh chẳng những trang bị khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin, tư liệu, mà còn biết vận dụng kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em cập nhật nhanh chóng kiến thức mới, hình thành kỹ năng mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong việc thông tin – đó cũng là điểm mấu chốt cần thiết đối với thực tiễn dạy học hiện nay."
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh
Chia sẻ về môn Tiếng Anh giảng dạy trong nhà trường hiện nay, cô Trâm cho biết: Môn Tiếng Anh ở trường phổ thông có nhiệm vụ hình thành và phát triển ở học sinh bốn kĩ năng cơ bản (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua hoạt động dạy và học môn Tiếng Anh góp phần rèn luyện các thao tác tư duy, mở rộng hiểu biết về một số phong tục, tập quán của nền văn hóa xã hội và con người nước Anh.
Do vậy, chương trình và nội dung dạy học môn Tiếng Anh ở phổ thông chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến kỹ năng sống và có khả năng tích hợp giáo dục kĩ năng sống cao. Kỹ năng sống đặc thù, thể hiện ưu thế của môn Tiếng Anh là giao tiếp, tiếp sau là kĩ năng nhận thức, bao gồm kỹ năng nhận thức thế giới xung quanh, tự nhận thức, ra quyết định… Khả năng giáo dục kĩ năng sống của môn Tiếng Anh không chỉ thể hiện trong nội dung môn học, mà còn được thể hiện qua phương pháp dạy học của giáo viên.
Để hình thành các kiến thức và rèn luyện kỹ năng mà chương trình đặt ra với học sinh phổ thông, người giáo viên phải vận dụng nhiều phương pháp dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Thông qua các hoạt động học tập, được phát huy trải nghiệm, rèn kỹ năng hợp tác, bày tỏ ý kiến cá nhân, đóng vai… học sinh có cơ hội rèn luyện, thực hành nhiều kỹ năng sống cần thiết.

Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học hiệu quả và được áp dụng rộng rãi hiện nay. Vì vậy với những thông tin được tổng hợp bởi AZtest trên đây hy vọng sẽ giúp Quý thầy cô có thêm nguồn tham khảo chất lượng, bổ ích.

ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST
>>>Xem thêm: Bí quyết hay rèn học sinh giỏi tiếng Anh THCS

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.

Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào từ AZtest, hãy để lại email ngay bên dưới!

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn