Xây dựng trường học hạnh phúc: Vai trò người “cầm lái”
Có thành phong trào?
Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” để nâng cao năng lực GV trong việc xử lý các tình huống sư phạm diễn ra trên thực tế.Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn khái niệm “trường học hạnh phúc” có thành phong trào hay không?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, khái niệm này sẽ không thành phong trào nếu chúng ta bắt tay vào hành động, thực hiện mục tiêu giáo dục liên quan đến cả gia đình, xã hội, không chỉ là của nhà trường, mỗi nhận thức, mỗi hành động của từng người sẽ quyết định ý nghĩa, thành công của nó.
“Bản thân tôi là người mẹ, tôi phải thay đổi thói quen trong cách nuôi dạy để con mình hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc là khó đo lường, nhưng chúng ta dễ cảm nhận, vì nó biến chuyển hàng ngày, chúng ta cần hành động để tạo nên điều đó”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.
Sắp tới đây, khi Luật GD sửa đổi ban hành, các GV sẽ tự chủ hơn trong lựa chọn chương trình. Giáo viên không chỉ là người trao cho học sinh kiến thức mà còn phải là người truyền cảm hứng, là tấm gương tốt đẹp để các em noi theo. Các thầy cô tích cực, vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống, thấu hiểu trong cư xử, sẽ tạo ra niềm tin, bầu không khí vui và yêu thương đến lớp học, đến nhà trường.
Để quá trình giáo dục đạt được hiệu quả cao, cần thiết phải tạo được môi trường học tập an toàn, thân thiện, tạo ra trường học hạnh phúc, khiến mỗi học sinh cảm nhận thấy hạnh phúc của bản thân khi học tập, rèn luyện và vui chơi trong đó.
Giáo dục bằng tình yêu thương
Với quan niệm GV là người “gieo trồng hạnh phúc”, TS Trần Khánh Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sư phạm, Trường ĐHSPHN, thành viên sáng lập chương trình Dạy học tích cực cũng cho rằng, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi giáo viên phải là người truyền cảm hứng hành động, người thắp lửa chứ không phải đổ đầy.
Cách tốt nhất để mang lại hạnh phúc cho người khác là chính mình có hạnh phúc. Khi mình vui, hạnh phúc thì chắc chắn sẽ làm tươi mát bầu không khí xung quanh, cũng sẽ nghĩ đến những điều tích cực, nhìn người khác bằng con mắt yêu thương, bao dung, và muốn lan tỏa niềm vui của mình cho người khác.
Vai trò của giáo dục nói chung và của GV nói riêng là đem lại cho người học cơ hội để có thể khám phá nhiều hơn về những điều tốt đẹp của bản thân, tin vào khả năng của mình có thể trở thành những người thành công, sống có ích cho xã hội. Và giáo dục bằng tình yêu thương luôn là con đường giáo dục ngắn nhất!
Đó cũng là 1 trong 3 tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại lễ phát động “Vì một trường học hạnh phúc”: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Khái niệm “trường học hạnh phúc” không phải cái gì đó to tát, mà đơn giản là mỗi người cảm thấy ngày hôm nay của mình tốt hơn ngày hôm qua; mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui; quan hệ thầy trò trở thành động lực để học sinh vươn tới mục tiêu chiếm lĩnh tri thức; khi đến trường được tin tưởng, tôn trọng và mọi người cùng giúp đỡ nhau để bản thân, nhà trường phát triển.
Tự bản thân mỗi người phải thay đổi
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, việc xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc là việc làm của người dạy và người học, của gia đình, của địa phương và nhiều tổ chức xã hội liên quan.
Hiện nay, để trường học được an toàn cần được các địa phương chú trọng thực hiện. An toàn là điều kiện cần, là tiêu chí đầu tiên cho hạnh phúc. Các chế độ chính sách cho nhà giáo để họ an tâm công tác cũng cần được các địa phương cam kết thực hiện. Trước khi đến trường, mỗi học sinh phải là đứa trẻ được quan tâm, được giáo dục trong gia đình. Sự phối hợp của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng.
Trong nhà trường, GV chính là chủ thể tích cực đem lại bầu không khí thân thiện, yêu thương. Giáo viên cần được tôn trọng, được đặt niềm tin. Khi đó GV sẽ có các phương pháp dạy học tích cực, biến bài học như một câu chuyện, một trò chơi, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, để có thể khích lệ, hỗ trợ HS kịp thời, để tạo cho HS cảm giác được an toàn, được quan tâm và yêu thương trong lớp học. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng đều cảm thấy hạnh phúc.
Không cần những tiêu chí to tát
Trao đổi với Báo GD&TĐ về quan điểm và hành động vì một trường học hạnh phúc (THHP), TS Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) đưa ra nhận định: “Khái niệm “hạnh phúc” ở đây giản dị thôi. Nếu xây dựng những tiêu chí hạnh phúc to tát thì rất khó đạt! Đôi khi hạnh phúc chỉ là niềm vui. HS đến trường vui, thầy cô giáo đến trường cũng vui, người chèo lái con thuyền trường học - hiệu trưởng thấy vui. Đó chính là THHP”.
Theo TS Thu Anh, để có được THHP, hiệu trưởng phải luôn thấu hiểu tất cả bộ phận tạo nên trường học. Người hiệu trưởng phải phát huy được năng lực và thế mạnh của từng cán bộ, GV, phải khiến thầy cô cảm thấy có giá trị với học trò, với nhà trường. Quan trọng nhất là luôn hướng tất cả các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu vì HS, làm cho HS vui, có tri thức và dần trưởng thành.
“Hãy cứ coi THHP là một khái niệm giản dị, để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui. Những tiêu chí đề ra cho THHP càng được xây dựng vĩ đại càng khó nhớ, khó thực hiện. HS, GV mong muốn khi đến trường đều phải vui mới là THHP, nhưng muốn vui phải có sự tôn trọng, trung thực, chân thành, biết quan tâm… Có rất nhiều yếu tố cần kết nối giữa các thành viên trong trường học, phải thực hiện được mới thành THHP”- TS Thu Anh phân tích.
“Để THHP, không chỉ có thầy cô phải thay đổi, không chỉ hiệu trưởng phải thay đổi; Không chỉ những người công tác trong ngành GD phải thay đổi, xã hội cũng cần hỗ trợ để người làm GD thay đổi, nhà trường thay đổi. Ai cũng phải làm việc hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, mọi người đều phải cố gắng. Hiểu một cách giản dị thay đổi là phát triển. Ngành nghề nào cũng cần sự thay đổi, ngành GD cũng vậy”, TS Thu Anh nêu.
Tuy nhiên, TS Thu Anh cho rằng: “Sản phẩm của GD rất đặc biệt. Khác với các ngành nghề khác. Sản phẩm của GD là con người - không phải cái máy để có thể cất đi khi hỏng. Đã là con người thì không được phép có sản phẩm lỗi. Vì thế, để có được những sản phẩm GD tốt, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với các nhà giáo, nhà trường, hiệu trưởng... Có thể hiểu tại sao xã hội đã và đang đặt nhiều áp lực lên nhà giáo, nhà trường và ngành GD, chính là do xã hội trân trọng nghề giáo, luôn đòi hỏi cao ở sản phẩm của GD.
Nếu mỗi thầy cô đều hiểu vai trò, ý nghĩa của nghề giáo thì tự thân phải cố gắng, để đáp ứng mong mỏi của xã hội, cố gắng và làm được nghĩa là nhà giáo sẽ cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của nhà giáo đem đến hạnh phúc cho HS, cho cha mẹ HS và nhiều người trong xã hội”.
Thay đổi cách tiếp cận vấn đề
Chị Lê Thị Thu (phụ huynh HS Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “THHP phải khiến trẻ thấy an toàn khi tới trường; HS được làm chủ việc học tập; trường học phải mang lại cho HS cảm giác tự do (trong khuôn khổ cho phép); cùng với đó không thể thiếu là tình yêu thương của thầy cô, bạn bè”.
Tiêu chí THHP theo quan điểm của mỗi người có thể rất khác nhau, chị Lê Thị Thu cho rằng: “Để một trường học được coi là hạnh phúc, trước hết thầy cô phải hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường hạnh phúc cho GV. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS. Trong đó, vai trò của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng. Nếu nhận thức được người hiệu trưởng sẽ xây dựng nên được một cộng đồng GV hạnh phúc”.
Ở góc độ phụ huynh, chị Lê Thị Thu nhận xét: “Hiệu trưởng là linh hồn của một ngôi trường. Họ phải là người động viên, truyền cảm hứng đến GV. Hiệu trưởng có suy nghĩ và quan điểm như thế nào họ sẽ xây dựng một môi trường GD như vậy. Mỗi hiệu trưởng có một chiến lược riêng trong định hướng chung của ngành về xây dựng THHP.
Hiệu trưởng làm được rất nhiều việc để chèo lái con tàu trường học, nhưng điều quan trọng nhất là họ phải xây dựng được cơ sở niềm tin đối với GV, đồng nghiệp; niềm tin đối với phụ huynh và HS. Từ cơ sở niềm tin này sẽ có được những định hướng, kế hoạch mang tư tưởng, “dáng dấp” của người hiệu trưởng”.
Kết quả của GD không thể nhìn thấy trong một vài năm, đó là cả một hành trình dài. Mỗi ngày nhà trường, thầy cô đều có giá trị với học trò đó chính là THHP. Như TS Nguyễn Thị Thu Anh nói: “Mỗi nhà trường, hiệu trưởng, GV có thể không cần đặt ra mục tiêu quá lớn, vì đặt ra mục tiêu lớn sẽ cảm thấy khó thực hiện. Chỉ cần đặt ra những mục tiêu gần gũi, chẳng hạn ngày hôm nay HS đến trường đều vui vẻ, cố gắng học tập, ngày mai cũng thế... Đó là cả một hành trình dài”.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của AZtest sẽ giúp quý thầy cô dễ dàng hơn trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.
>>>Xem thêm: Những “chiêu” phạt học khiến học sinh tỉnh thức
ĐỪNG QUÊN ĐỂ LẠI EMAIL CUỐI BÀI ĐỂ NHẬN THÊM NHỮNG THÔNG TIN HẤP DẪN CỦA AZTEST
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn